Sub_02_2014.03.04_Raymond_Henderson_AttachmentB

Trên thực tế, các công ty giao nhận có thể thay đổi tư cách pháp lý từ người giao nhận trở thành người vận chuyển tùy thuộc tình huống cụ thể để kinh doanh có hiệu quả nhất và tránh trách nhiệm pháp lý.

Tuy vậy, để hạn chế rủi ro, các bên cần thỏa thuận, ký kết hợp đồng sao cho rõ ràng, không thể hiểu nhầm và thận trọng về tư cách pháp lý khi ký các văn bản, giấy tờ đứng tên mình – đặc biệt là vận đơn. Vụ kiện dưới đây có thể là một kinh nghiệm cho các DN khi giao dịch ngay cả với những đối tác, khách hàng có quan hệ thường xuyên.

Một vụ kiện

Năm 2013 Suzhou Leisger Vehicle Co (Leisger) ký hợp đồng với French company Nexange SAS (Nexange), theo đó Leisger bán xe đạp điện với tổng trị giá 46.845 USD theo điều kiện “Giao hàng lên tàu biển” (FOB) và người mua phải trả trước 30% tổng trị giá lô hàng. Ngày 8.5.2013 Lipsen Hong Kong nhận ủy thác của Luyckx International NV và người nhận hàng của họ là Nexange để thu xếp vận chuyển lô hàng xe đạp điện từ Shanghai đi Antwerp. Ngày 10.5.2013 Lipsen Hong Kong ủy thác lại dịch vụ này cho Lipsen Shanghai và yêu cầu Lipsen Shanghai thực hiện dịch vụ vận chuyển với tư cách là người giao nhận. Lô hàng đã được chuyển đi ngày 13.6.2013.

Sau đó, tranh chấp xảy ra giữa Leisger và Nexange vì Leisger không nhận được tiền thanh toán cho lô hàng. Leisger yêu cầu đưa lô hàng này vào kho của mình tại Đức nhưng không thể thực hiện được vì giấy gửi hàng đường biển đã được làm theo thủ tục trả hàng ngay. Lo lắng vì sẽ tốn nhiều chi phí phát sinh nếu hàng bị lưu tại cảng nên Luyckx đề nghị hàng sẽ được trả với điều kiện Nexange phải thanh toán số tiền hàng còn lại cho Luyckx, xem như là số tiền bảo đảm. Leisger và Nexange đã đồng ý bằng miệng đề nghị như vậy. Nexange đã trả số tiền hàng còn lại cho Luyckx, nhưng yêu cầu Luyckx chỉ trả 20.000 USD cho Leisger vì Nexange thấy một số xe đạp bị tổn thất.

Case Study Luật hàng hải: Một vụ kiện nhầm – Bị đơn là người giao nhận hay người vận chuyển

 

Trên cơ sở những sự việc nêu trên, Leisger đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Hàng hải Thượng Hải (Shanghai Maritime Court) vào tháng 5.2014 với khiếu kiện rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản thanh toán tiền hàng nào và hàng đã bị mất do lỗi của Lipsen Shanghai. Leisger đề nghị Tòa buộc Lipsen Shanghai bồi thường đầy đủ số tiền là 46.845 USD (tương đương 288.185 Rmb – Nhân dân tệ) và lãi suất tương ứng.

Vấn đề cần xác định

Bị đơn là “người giao nhận” hay “người vận chuyển không có tàu” (NVOCC), dưới đây gọi tắt là “người vận chuyển”?

Nguyên đơn cho rằng Lipsen Shanghai hoạt động như một người vận chuyển nên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đặc biệt là nghĩa vụ trả hàng theo vận đơn gốc. Trong trường hợp cụ thể này, người vận chuyển có trách nhiệm trả hàng mà không cần người nhận hàng phải nộp vận đơn gốc.

Bị đơn – Lipsen Shanghai – cho rằng họ không phải là người vận chuyển mà là người giao nhận, dựa trên các lập luận sau đây:

– Họ chưa bao giờ tự mình ký phát (issue) vận đơn gốc cho lô hàng này. Leisger không có bằng chứng để chứng minh Lipsen Shanghai là người vận chuyển. Vì vậy, Lipsen Shanghai không có nghĩa vụ trả hàng theo vận đơn gốc và không có nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà bằng chứng là vận đơn.

– Họ không thu tiền cước vận chuyển đối với lô hàng đó từ Leisger, mà việc này là một phần có tính chất quyết định (essential) đối với một hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Lipsen Shanghai chỉ thu chi phí cho các dịch vụ giao nhận.

– Họ đã thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng giao nhận và không để xảy ra lỗi.

– Phù hợp với thông lệ trong ngành giao nhận, Lipsen Shanghai không thể kiểm soát hàng hóa và không có nghĩa vụ hoặc phương tiện để làm việc đó sau khi thực hiện hợp đồng giao nhận.

– Hàng hóa đang ở đâu không phải là vấn đề đáng quan tâm của Lipsen Shanghai và họ cũng không có nghĩa vụ xác định vị trí của hàng hóa. Hàng đã thuộc quyền kiểm soát của người vận chuyển và đại lý của họ.

Như vậy, Leisger đã sai khi xác định Lipsen Shanghai là người vận chuyển, đúng ra thì Lipsen Shanghai là người giao nhận và không có nghĩa vụ của người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Người vận chuyển có phải trả hàng theo vận đơn gốc hay không?

Case Study Luật hàng hải: Một vụ kiện nhầm - Bị đơn là người giao nhận hay người vận chuyển

Trong khi nhấn mạnh rằng họ không có nghĩa vụ trả hàng theo vận đơn gốc hoặc xác định vị trí hiện tại của hàng hóa, Lipsen Shanghai cũng cho rằng người vận chuyển không có nghĩa vụ trả hàng theo vận đơn gốc với lập luận dựa trên các căn cứ sau đây:

– Leisger và Nexange đã có quan hệ hợp tác lâu dài và trên thực tế đã làm theo cách: hàng hóa được chuyển giao cho người nhận hàng ngay khi hàng đến mà không cần phải có vận đơn gốc. Phù hợp với thực tế này, Leisger chưa bao giờ yêu cầu người vận chuyển ký phát vận đơn gốc và cũng chưa bao giờ yêu cầu Lipsen Shanghai phải có vận đơn gốc do người vận chuyển ký phát. Việc Leisger không đưa ra được một bản vận đơn gốc hoặc chứng từ vận tải khác đã chứng minh cho thực tế này.

– Theo thực tế nêu trên, người vận chuyển trong trường hợp này có nghĩa vụ trả hàng khi hàng đến cảng ngay cả khi vận đơn gốc không được ký phát. Do đó, hàng hóa không bị mất mà là được trả theo thực tế vẫn làm và thỏa thuận ngầm trong hợp đồng.

– Vì Leisger không yêu cầu Lipsen Shanghai phải có vận đơn gốc do người vận chuyển ký phát nên Lipsen Shanghai không có lỗi trong việc để người vận chuyển không ký phát vận đơn gốc.

– Việc vận chuyển hàng hóa đã không được đặt dưới sự kiểm soát của Lipsen Shanghai. Họ không có nghĩa vụ phải kiểm soát việc trả hàng tại cảng đến. Nếu Leisger cho rằng đã xảy ra bất kỳ lỗi nào trong việc trả hàng thì họ phải yêu cầu người vận chuyển và đại lý có liên quan bồi thường.

– Vì vậy, Lipsen Shanghai cho rằng người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng khi hàng đến cảng theo cách thông thường mà Leisger và Nexange vẫn làm là không ký phát vận đơn gốc và cả người giao nhận lẫn người vận chuyển đã không có lỗi trong vụ việc này.

Kết luận

Vụ án kết thúc bằng hòa giải. Các bên đồng ý như sau: Lipsen Shanghai phải trả Leisger Rmb 50.000 Rmb (Nhân dân tệ); Về án phí, Leisger chịu một nửa của số tiền 883,73 Rmb; Không còn phát sinh bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến vụ án. Việc Lipsen Shanghai phải trả 50.000 Rmb là ít hơn nhiều so với số tiền 288.185 Rmb mà Nguyên đơn đòi; hòa giải cũng giúp Bị đơn tiết kiệm được nhiều chi phí khác, ví dụ như lệ phí công chứng.

Bình luận

Vấn đề cốt lõi trong vụ này là phân biệt tư cách pháp lý của người giao nhận và người vận chuyển. Trên thực tế, các công ty giao nhận có thể thay đổi tư cách pháp lý từ người giao nhận trở thành người vận chuyển tùy thuộc tình huống kinh doanh cụ thể để có lãi nhiều nhất và tránh trách nhiệm pháp lý. Điều 3 Quy định của Tòa án Nhân dân tối cao (Trung Quốc) về một số vấn đề liên quan đến xét xử các vụ tranh chấp về giao nhận đường biển quy định rằng: “Căn cứ vào thực chất của quy định về quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng bằng văn bản, Tòa án nhân dân sẽ xem xét tổng thể tên gọi của dịch vụ và cách thức mà người giao nhận kinh doanh để có được tiền công, các loại hóa đơn đã phát hành và chi phí thu được, thực tiễn giao dịch giữa các bên có liên quan và các tình huống khác khi thực hiện hợp đồng trên thực tế để đánh giá các mối quan hệ của hợp đồng giao nhận đường biển có thực sự tồn tại hay không”.

Quy định này đưa ra những phương pháp thông thường để xác định tư cách pháp lý của một công ty giao nhận, đó là: cần xem xét tổng thể các hợp đồng, vận đơn, tuyến đường, tên gọi và hình thức mà người giao nhận có được tiền công (và các sự việc, tình huống cụ thể khác) trước khi đi đến kết luận cuối cùng về tư cách pháp lý của họ trong các mối quan hệ có liên quan.

Tuy vậy, trên thực tế, có tồn tại hay không một hợp đồng đại lý bằng văn bản, những quy định riêng trong hợp đồng, hợp đồng thực tế được thực hiện như thế nào và các sự việc, tình huống khác sẽ chứng minh cho những thuộc tính pháp lý điển hình của một người giao nhận, người vận chuyển hoặc của cả hai chủ thể này. Toà án có thể ra phán quyết đối với một công ty về tư cách pháp lý của họ là người giao nhận hoặc người vận chuyển. Tuy nhiên, hợp đồng bằng văn bản và các tài liệu, chứng từ mà đại lý cung cấp cho tòa luôn là những căn cứ cơ bản được tòa sử dụng để xác định liệu một bên là người giao nhận hoặc người vận chuyển. Do đó, để quản trị rủi ro, người ủy thác và đại lý phải luôn ký kết hợp đồng một cách rõ ràng, sao cho không thể hiểu nhầm và các đại lý phải thận trọng về tư cách pháp lý của mình khi ký kết các văn bản, giấy tờ đứng tên mình – đặc biệt là đối với vận đơn.